Cúng đầy tháng cho trẻ là một lễ nghi hết sức quan trọng, nhằm khẳng định sự ra đời và tồn tại của trẻ, đồng thời, ra mắt dòng họ, ông bà tổ tiên là thành viên trong gia đình. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, chưa biết nghi thức, cũng như cần chuẩn bị những gì để cúng đầy tháng cho trẻ. Vậy hãy đến ngay bài viết, chúng tôi mang đến cho bạn những điều cần biết về Lễ vật, cách sắp mâm và các nghi thức cúng đầy tháng cho trẻ. Hãy cùng đón xem nhé!
Cúng đầy tháng cho trẻ có ý nghĩa gì?
Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu thai) hay còn gọi là 12 Bà Mụ nặn ra. Mỗi Mụ Bà sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc… xấu hay đẹp cũng là do tay các Bà Mụ nặn ra.
Lễ cúng Bà Mụ nhằm tạ ơn Bà Mụ và Đức ông đã đem đứa trẻ đến nhà, giúp mẹ tròn con vuông và cũng là cái lễ để trình báo với mọi người rằng một thành viên mới sẽ gia nhập vào cộng đồng dân cư đó, mong mọi người sẽ cưu mang, che chở cho đứa trẻ.
Đứa trẻ vừa mới chào đời hãy còn xa lạ với thế giới xung quanh.Trẻ phải luôn được mẹ ôm ấp, để nghe nhịp đập con tim, hơi thở của mẹ như hồi nằm trong bụng mẹ để dần tiếp xúc, quen dần và thích nghi với mọi thứ từ thế giới bên. Cho nên khi trẻ vượt qua 30 ngày đầu và khỏe mạnh thì cha, mẹ phải thực hiện nghi lễ cúng ăn mừng còn gọi là lễ cúng đầy tháng.
Cúng đầy tháng cho trẻ theo ngày âm hay dương
Theo quan niệm dân gian lễ đầy tháng của bé phải theo nguyên tắc “gái sụt hai, trai sụt một” (tức là cúng đầy tháng bé gái làm trước hai ngày, còn cúng đầy tháng bé trai làm trước một ngày).Theo phong tục của ông bà ta từ ngàn xưa đến nay thì các lễ cúng, tết, giỗ,… đều được tính theo lịch âm. Bởi nước ta có nền văn minh lúa nước, chủ yếu phát triển theo hướng nông nghiệp, chính vì vậy dùng mặt trăng để tính thời gian. Vì vậy, các lễ hội, tết, cúng bái, đều lấy ngày âm để tính.
>> Cúng thôi nôi ngày âm hay dương
Nhưng do hội nhập phát triển toàn cầu hóa, các ông bố bà mẹ trẻ bây giờ lại theo hướng đại nên cho rằng việc cúng đầy tháng, sinh nhật cho trẻ nên chọn ngày dương. Nhưng thực ra, các bạn ạ đây là một phong tục truyền thống từ bao đời nay chúng ta không thể thay đổi. Là một nét văn hóa đẹp của dân tộc vì vậy mọi người hãy kế thừa, không nên chạy theo xu hướng thời đại mà đánh mất truyền thống chính mình. Vì vậy, cúng đầy tháng cho trẻ, chúng ta nên chọn theo ngày âm lịch, kể cả thôi nôi trẻ cũng vậy.
Lễ vật và cách sắp bàn cúng đầy tháng
Lễ vật cần chuẩn bị:
Theo quan niệm dân gian, em bé được hình thành là nhờ 1 bà Chúa và 12 bà Mụ. Trong đó bà Chúa chịu trách nhiệm chính, còn 12 bà Mụ làm nhiệm vụ nặn ra hình hài đứa trẻ, mỗi bà mụ phụ trách một bộ phận. Do đó, khi chuẩn bị lễ vật để cúng đầy tháng phải đầy đủ những thứ sau:
– Lễ vật cúng 12 bà Mụ: 12 chén chè nhỏ, 12 đĩa xôi nhỏ, 12 chén cháo nhỏ, 12 ly nước, 2 đĩa bánh hỏi, các loại bánh dành cho trẻ con xếp thành 12 đĩa, khoảng 2 kg thịt quay chia làm 12 đĩa, đồ hàng mã (giấy tiền).
– Lễ vật cúng kính Đức ông: Một con gà luộc, một tô cháo lớn, một tô chè lớn, ba đĩa xôi lớn, một miếng thịt quay, một đĩa hoa quả, trầu cau, hoa, rượu và đồ hàng mã (giấy tiền).
Ngoài các lễ vật này thì cần thêm một bình hoa, trà, rượu, hương, đèn, nước, gạo, muối, muỗng và không thể thiếu một đôi đũa hoa (đũa được vót ngược đầu và có bông hoa trên đầu đũa) vì theo quan niệm dân gian, bà chúa chỉ thích dùng đũa này.
Cách sắp bàn cúng đầy tháng:
Quan niệm dân gian cho rằng, mâm cúng phải được sắp xếp theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả” nghĩa là phía đông đặt bình hoa, còn phía tây đặt lễ vật cúng. Thông thường đồ lễ cúng đầy tháng cho bé sẽ được xếp trên hai bàn:một bàn nhỏ và thấp hơn để bày lễ vật cúng kính Đức ông. Bàn lớn còn lại bày lễ vật cúng kính 12 bà Mụ.
Nghi thức cúng đầy tháng cho trẻ
Cách cúng đầy tháng cho bé trai và cho bé gái đều gần giống như nhau tùy theo vùng miền. Và Nghi thức cúng đầy tháng cho trẻ cần phải làm theo 2 bước: nghi thức khai hoa và nghi thức xin đặt tên cho con.
1. Nghi thức khai hoa: Đặt trẻ ở trên bàn giữa, người lớn trong họ sẽ thắp hương và bắt đầu mở lời xin phép khai hoa. Sau đó, người chủ lễ sẽ bồng đứa trẻ trên tay, đồng thời cầm một cành hoa quơ qua quơ lại miệng bé và đọc những lời cầu chúc mang ý nghĩa tốt đẹp:
“Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”
2. Nghi thức đặt tên con: Sau khi cầu chúc điều tốt lành đến với đứa trẻ, người chủ lễ sẽ tiếp tục nghi thức Xin Keo. Theo đó, chủ lễ sẽ lấy 2 đồng tiền cổ làm bằng bạc thật và gieo vào một chiếc đĩa sâu lòng. Nếu có một mặt úp, một mặt ngửa thì chứng tỏ cái tên đã được tổ tiên chứng giám và ưng thuận. Ngược lại, nếu đều là 2 mặt úp hoặc 2 mặt ngược thì phải tiến hành gieo đồng tiền này lại.
Nếu đã 3 lần mà vẫn chưa được thì phải đặt tên khác cho trẻ. Ngày nay, khi sinh trẻ ra, mọi người thường đặt tên con ngay để làm các thủ tục khai sinh nên tập tục Xin Keo này cũng không còn tồn tại. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn còn giữ tục này như một truyền thống gia tộc.
Ngoài ra, theo tục xưa, sau Xin Keo người mẹ cũng phải được làm phép để tẩy uế và kết thúc thời gian ở cữ. Theo đó, mẹ phải bồng trẻ bước qua một nồi nước sôi có đặt đinh nung đỏ nhiều lần (trai 7 lần, gái 9 lần) và sau đó đi quanh nhà. Trong lúc đi, mẹ cố tình làm rơi tiền để cầu mong cuộc sống của con sau này dư dả, đủ đầy.
Qua bài viết: Lễ vật, cách sắp mâm và các nghi thức cúng đầy tháng cho trẻ hi vọng giúp ông bố bà mẹ nhà chúng ta hiểu rõ hơn về nghi thức cúng đầy tháng cho con mình. Đây là một nghi lễ rất quan trọng, vì vậy cần làm theo đúng phong tục nhé!
Trả lời