Lễ cúng đầy tháng là một nét đẹp truyền thống từ xa xưa của đồng bào dân tộc chúng ta, việc cúng đầy tháng mang nhiều ý nghĩa vì vậy không thể bỏ qua. Nhưng liệu bạn đã biết cách cúng, chuẩn bị lễ nghi, mâm cúng như thế nào chưa? Nếu chưa hãy cùng đến với cách cúng đầy tháng cho bé trai sau đây để tìm hiểu kỹ hơn nhé!
Tại sao phải cúng đầy tháng?
Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu thai) hay còn gọi là 12 Bà Mụ nặn ra. Mỗi Mụ Bà sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc… xấu hay đẹp cũng là do tay các Bà Mụ nặn ra.
Lễ cúng Bà Mụ nhằm tạ ơn Bà Mụ và Đức ông đã đem đứa trẻ đến nhà, giúp mẹ tròn con vuông và cũng là lễ cúng đầy tháng cho trẻ để trình báo với mọi người rằng một thành viên mới sẽ gia nhập vào cộng đồng dân cư đó, mong mọi người sẽ cưu mang, che chở cho đứa trẻ.
Đứa trẻ vừa mới chào đời hãy còn xa lạ với thế giới xung quanh.Trẻ phải luôn được mẹ ôm ấp, để nghe nhịp đập con tim, hơi thở của mẹ như hồi nằm trong bụng mẹ để dần tiếp xúc, quen dần và thích nghi với mọi thứ từ thế giới bên. Cho nên khi trẻ vượt qua 30 ngày đầu và khỏe mạnh thì cha, mẹ phải thực hiện nghi lễ cúng ăn mừng còn gọi là lễ cúng đầy tháng.
Bộ lễ cúng đầy tháng cần có những gì?
1. 12 chén chè đậu trắng bằng nhau cho bé trai( bé gái là chè trôi nước và một tô chè lớn).
2. 12 đĩa xôi bằng nhau và 01 đĩa xôi lớn .
3. 01 con gà luộc hoặc 01 con vịt luộc.
4. Bộ tam sên (thịt heo luộc, trứng luộc, tôm hay cua luộc).
5. Trái cây ngũ quả (05 loại quả).
6. Bình hoa tươi.
7. Nhang, đèn cầy.
8. Trà, rượu.
9. 01 bộ đồ hình thế (ghi tên và ngày tháng năm sinh của bé, cúng xong sẽ đốt đi để giải hạn cho bé)
10. 12 miếng trầu cánh phượng giống hệt nhau và một miếng trầu têm cánh phượng to hơn.
11. 12 đôi hài giống hệt nhau và một đôi hài to hơn.
12. 12 bộ váy áo đẹp giống hệt nhau và một bộ váy áo giống 12 bộ kia nhưng to hơn.
13. 12 nén vàng giống nhau và một nén vàng to hơn.
Cách cúng trong lễ đầy tháng cho bé trai
Sau khi bày lễ vật, một trưởng tộc hoặc người biết thực hành nghi lễ, thắp ba nén hương khấn nguyện: “Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âl), ngày cháu (nội hay cháu ngoại…) họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên…) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.
Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là “bắt miếng”. Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:
- Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
- Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
- Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
- Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…
Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.
Lễ đầy tháng là hình thức tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ mẫu, qua đó cho thấy tín ngưỡng dân gian nói chung luôn hướng con người không chỉ biết có hiện tại, tương lai, mà còn nhận rõ truyền thống văn hóa mang tính bản sắc của gia đình – xã hội. Đồng thời Lễ đầy tháng còn là sự biểu hiện của những ước muốn tốt đẹp của các thế hệ trước đối với các thế hệ kế thừa.
Với Cách cúng đầy tháng cho bé trai trên hi vọng sẽ giúp ích nhiều cho các ông bố bà mẹ. Bé con khi sinh ra còn yếu ớt và chưa thích nghi được với môi trường xung quanh, vì vậy bố mẹ nên cúng đầy tháng, lễ nghi phù hợp đúng cách để bé mang lại nhiều may mắn cho tương lai nhé!
Trả lời