Việc vay mượn tiền là chuyện thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Vì những nhu cầu khác nhau mà đôi khi bạn phải vay tiền người khác hoặc phải cho người khác vay tiền. Vay mượn là chuyện bình thường nhưng nhiều người truyền miệng rằng không nên cho vay tiền vào mùng 1 hoặc những ngày đầu tháng vì sẽ mang đến hao tài cho cả tháng. Vậy ý kiến này có đúng không? Có nên cho vay tiền vào mùng 1 hay không?
Quan niệm dân gian về việc cho vay mượn tiền
Dĩ nhiên trong cuộc sống hoàn hảo là khi chúng ta có đủ tiền để tiêu dùng, tuy nhiên trong một số trường hợp buộc ta phải vay mượn người khác một khoản. Bản thân một số người khi dư giả một chút sẽ đem số tiền dư ấy cho người khác vay mượn. Bản chất của việc cho vay và cho mượn hoàn toàn không xấu, thậm chí nó còn tốt khi bạn có thành ý giúp người.
Theo quan niệm của nhà Phật, việc cho người khác vay mượn lúc khó khăn là việc làm có phần nhân đức. Người gặp khó khăn ta đưa tay cứu giúp, lẽ dĩ nhiên dù có hoàn trả cũng chỉ là hoàn trả phần vật chất vay mượn, còn đó phần ơn nghĩa sẽ tạo nên phước đức cho người cho vay.
Thêm vào đó việc người này mượn tiền của người kia cũng được nhà Phật lý giải là do duyên nợ của cả 2 bên ở kiếp trước, kiếp trước có vay, kiếp này có trả. Suy cho cùng việc vay mượn tiền hay cho người khác vay mượn với ý đồ giúp người được xem như là việc thiện góp phần tích đức.
Vì sao cho vay tiền mùng 1, đầu tháng lại không nên?
Lí giải cho quan điểm này là việc cho rằng những ngày như mồng 1 hay những ngày đầu tháng là khởi đầu cho một tháng mới, đầu tháng làm gì thì cả tháng sẽ như vậy. Trong khoảng thời gian khởi đầu này nên cố gắng giữ cho tiền vào có như vậy cả tháng mới có thể hưng thịnh, thu được may mắn tài lộc.
Như vậy, cho vay tiền vào mồng 1, đầu tháng đồng nghĩa với việc để cho tiền tài thất bát, sẽ bị “dông” cả tháng. Một số người quan niệm tiền chính là tài lộc, nếu đầu tháng đem tài lộc của mình cho người khác như vậy là tự mình đánh mất đi may mắn, phần tài lộc của mình sẽ chuyển sang cho người mượn. Do đó thường thì việc vay mượn hay trả nợ đều sẽ tránh ngày đầu tháng.
Có nên cho mượn tiền vào mùng 1 hay không?
Với những quan niệm trên ta có thể thấy dân gian ta khá là cẩn trọng trong việc cho mượn tiền những ngày đầu tháng. Mặc dù không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tính chuẩn xác của những ý kiến trên nhưng dù sao thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Nói thế không có nghĩa là bạn tuyệt đối không chi tiêu hoặc không cho bất cứ ai mượn tiền của mình vào ngày mồng 1. Như đã nói ở trên việc cho vay mượn với hảo ý là điều nên làm, có những trường hợp cần thiết thì bạn vẫn nên cho người khác mượn vì làm việc tốt giúp người thì sẽ không sợ không may mắn.
Ngược lại có những người thật sự cần mượn tiền của bạn, bạn lại vì sợ xui xẻo đầu tháng mà không cho mượn thì như vậy mới thật sự là chuốc lấy nhân quả báo ứng.
Mọi việc vẫn là tự bạn nên cân nhắc, làm việc tốt thì không sợ gặp xui xẻo đúng không nào?
Một số việc nên tránh vào những ngày mồng 1, đầu tháng
Ngoài việc tránh “xuất tiền” trong những ngày đầu tháng dân gian ta còn kiêng cữ một số điều nữa để cả tháng gặp may mắn.
– Kiêng không cắt tóc, cắt móng tay đầu tháng: Việc này xuất phát từ quan điểm “cái răng cái tóc là gốc con người”, tóc còn là tượng trưng cho dương khí, như vậy đầu tháng cắt tóc tức là cắt đi phần dương khí sẽ khiến cho âm khí và những điều không may mắn dễ kéo đến ảnh hưởng tới vận trình của cả tháng.
– Kiêng không ăn một số món đầu tháng như thịt chó, mực, trứng vịt lộn,…những món ăn này được cho là những món không may mắn và không dành cho những ngày đầu tháng vì nó sẽ mang lại điềm không may cho cả tháng mới của bạn.
– Kiêng làm vỡ đồ đạc, chén bát. Một số người tin rằng tiếng chén bát, ly rơi vỡ sẽ xua đuổi vận may và thu hút sự chú ý của những vong hồn không tốt, nhất là vào ban đêm, thêm vào đó việc đứt vỡ còn là biểu tượng của chia ly, ly tán. Chính vì thế cần tránh làm vỡ, làm đứt các vật dụng vào ngày đầu tháng.
– Kiêng không cãi vã to tiếng. Điều này đặc biệt được lưu ý vào những ngày đầu tháng và ngày lễ tết. Việc cãi vã to tiếng trong gia đình là dấu hiệu của việc bất hòa. Có thể thấy ngay rằng cãi vã là điều không mấy tốt lành vui vẻ rồi. Cho nên ông bà ta luôn nhắc nhở con cháu phải hòa thuận, đóng cửa bảo nhau có như vậy thì mọi việc mới thuận lợi, êm đẹp.
– Kiêng nói tục chửi bậy. Văn hóa dân gian quan niệm miệng là ngọn nguồn của mọi chuyện thị phi. Người ngay thẳng thì lời nói cũng sẽ chính trực, kẻ tiểu nhân lời nói ắt lươn lẹo bất nhất, lời ra họa vào. Chính vì lẽ đó việc cẩn thận trong ăn nói những ngày đầu tháng là điều cần thiết. Đầu tháng nói lời không hay cả tháng sẽ gặp họa thị phi.
Qua đó ta có thể thấy, những ngày đầu tháng không chỉ phải chú ý về tiền bạc mà còn phải chú ý khá nhiều thứ để tránh những chuyện không may mắn, có thờ có thiêng có kiêng có lành chính là như vậy. Hi vọng qua bài viết bạn sẽ có thêm những kinh nghiệm nhỏ cho mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Trả lời